Giống như các dòng điều hòa khác, bạn cần vệ sinh điều hòa âm trần sau một thời gian sử dụng để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, với những người muốn tự vệ sinh điều hòa âm trần tại nhà hoặc các bạn thợ chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ không biết cần phải vệ sinh những bộ phận nào? Trong bài viết này, Hocnghe.org hướng dẫn quy trình vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa âm trần chi tiết, đúng kỹ thuật.
1. Vì sao nên thực hiện quy trình vệ sinh máy lạnh âm trần định kỳ?
Sau đây là những lợi ích mà việc vệ sinh máy lạnh âm trần định kỳ mang lại:
- Cải thiện và duy trì hiệu quả làm mát sau thời gian dài sử dụng.
- Giúp máy hoạt động êm ái, ổn định và tiết kiệm điện hiệu quả.
- Giữ cho luồng không khí trong lành, góp phần bảo vệ sức khỏe mọi người.
- Phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng bên trong máy lạnh âm trần. Nhờ đó bạn có thể tiết kiệm được khoản chi phí sửa chữa đáng kể.
- Kéo dài tuổi thọ cho thiết bị.
2. Khi nào nên vệ sinh máy lạnh âm trần
Tần suất vệ sinh máy lạnh âm trần sẽ phụ thuộc vào điều kiện môi trường xung quanh. Thông thường các bạn nên vệ sinh máy lạnh âm trần từ 3 - 6 tháng/ lần. Tuy nhiên nếu máy đặt trong môi trường có nhiều bụi bẩn thì bạn nên vệ sinh khoảng 3 - 4 tháng/lần.
Ngoài ra, bạn có thể vệ sinh cho máy lạnh âm trần khi thấy những dấu hiệu sau:
- Máy không còn làm lạnh như trước dù đã chỉnh ở mức nhiệt độ thấp.
- Hóa đơn tiền điện tăng cao do bụi bẩn bám vào làm máy hoạt động nhiều hơn.
- Máy lạnh âm trần tỏa ra mùi hôi khó chịu, nhất là khi máy mới khởi động.
>>> Xem thêm : Có nên sử dụng điều hòa âm trần.
3. Những điều cần lưu ý trước khi thực hiện quy trình vệ sinh máy lạnh âm trần
- Phải ngắt kết nối nguồn điện của máy lạnh âm trần trước khi làm vệ sinh. Tốt nhất bạn nên ngắt nguồn điện trước khoảng 5 tiếng để tất cả điện tích trong máy hoàn toàn biến mất.
- Nên kiểm tra sơ qua về tình trạng hoạt động của máy lạnh âm trần hiện tại.
- Khi vệ sinh cánh quạt tản nhiệt phải xịt nước xuôi chiều để tránh làm bộ phận này biến dạng, hư hỏng.
- Không nên sử dụng chất tẩy rửa mạnh khi làm vệ sinh cho máy.
- Hạn chế làm nước dính vào mạch điện.
>>> Xem thêm: Mẹo sử dụng điều hòa âm trần tiết kiệm điện.
4. Chi tiết về quy trình vệ sinh máy lạnh âm trần
4.1. Vệ sinh cho dàn lạnh
• Bước 1: Di chuyển tất cả đồ dùng phía dưới máy lạnh tạm thời qua chỗ khác (nếu có). Sau đó bạn lần lượt tháo mặt nạ máy và lưới lọc để tiến hành vệ sinh.
• Bước 2: Tháo bo mạch rồi dùng cọ nhỏ để làm sạch bụi bẩn bám vào. Bạn có thể dùng máy thổi khí để loại bỏ bụi bẩn và tránh làm ẩm ướt.
• Bước 3: Treo bạt để che chắn xung quanh cho máy lạnh âm trần. Sau đó bạn tiến hành xịt rửa lần lượt lưới lọc, dàn lạnh và các bộ phận bên trong. Sau khi xịt rửa xong, bạn lấy khăn khô để thấm hết nước. Ngoài ra, bạn có thể dùng máy sấy để làm khô nhanh chóng vị trí vừa xịt rửa.
• Bước 4: Tháo bạt che, lau khô bơm nước và phần quạt dàn lạnh.
• Bước 5: Lần lượt lắp lại các bộ phận đã tháo rời của dàn lạnh âm trần như máng nước ngưng tụ, giắc cắm bo mạch, lưới lọc, mặt nạ,...
4.2. Vệ sinh cho dàn nóng
• Bước 1: Tháo lớp vỏ bao bọc bên ngoài dàn nóng.
• Bước 2: Dùng xịt nước để rửa sạch lần lượt quạt, dàn ngưng tụ và mặt nạ của dàn nóng.
• Bước 3: Tiếp tục vệ sinh bên ngoài dàn nóng.
• Bước 4: Hong khô các bộ phận vừa vệ sinh và cả bên trong và bên ngoài dàn nóng bằng máy sấy.
• Bước 5: Lắp các bộ phận trở lại vị trí cũ đúng cách.
Quy trình vệ sinh máy lạnh âm trần không quá phức tạp, tuy nhiên bạn cần có đầy đủ dụng cụ chuyên dụng và kỹ thuật. Vì vậy để tránh làm hư hỏng thiết bị, tốt nhất bạn nên tìm đến dịch vụ vệ sinh thiết bị điện lạnh uy tín và chuyên nghiệp để được họ hỗ trợ.